Trong danh sách 10 hòn đảo “thiên đường nơi hạ giới” do Tạp chí Travel + Leisure nổi tiếng của Mỹ bình chọn, Santorini luôn giữ vững vị trí tốp đầu. Không chỉ là địa điểm tổ chức kỳ nghỉ trăng mật lãng mạn nhất, địa danh nổi tiếng này còn được vinh danh là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới, là phông nền lý tưởng nhất để lưu giữ những bộ ảnh “sống ảo” thời mạng xã hội lên ngôi. Và cũng để xứng tầm với đẳng cấp “thiên đường”, Santorini nhiều năm trụ vững trong “Top 20 địa điểm du lịch đắt đỏ nhất thế giới”.
Hòn đảo của dung nham và tro tàn núi lửa
Trước hành trình, tôi cứ hình dung về Santorini như một thiên đường xanh mướt bạt ngàn cây lá, với biển xanh – cát trắng – nắng vàng. Như công thức chung của những Maldives – Bali – Malta – Galapagos… cùng nằm trong danh sách Top 10 thiên đường nơi hạ giới kể trên. Nhưng, Santorini nằm ngoài khả năng tưởng tượng của tôi. Không được thiên nhiên hào phóng ban phát những đặc trưng của những thiên đường nhiệt đới kể trên, vẻ đẹp hút hồn của Santorini hoàn toàn là sản phẩm của bàn tay và khối óc con người. Chính bởi vậy, vẻ đẹp ấy không giống bất cứ đâu, là “độc nhất vô nhị”! Nếu một lần được chìm trong dòng thác thanh âm đầy mê hoặc của một nghệ sĩ guitar bên hông ngôi nhà thờ Chính thống giáo tuyệt đẹp và ngắm hoàng hôn dần nhuộm tím cả không gian thị trấn Fira như tôi, bạn sẽ thấy thiên đường trong những giấc mơ đậm màu cổ tích cũng chỉ quyến rũ, lung linh đến vậy!
Nhìn qua cửa sổ chiếc máy bay của Hãng hàng không Aegean Airlines, Santorini giống như chiếc giỏ chứa đầy nấm trắng li ti nổi bật trên làn nước Địa Trung Hải xanh thẳm. Từ trên không trung, có thể nhận ra hòn đảo khá khô cằn, bởi thế tông màu chủ đạo của tấm phông nền làm nổi bật đám nấm trắng ấy là đen và nâu đỏ. Thiếu vắng màu xanh cây lá, ngay cả những tán olive cũng bợt bạt dưới nắng gió mặn mòi. Bãi cát trải dài ấp ôm những đường viền mềm mại ven biển cùng những vách đá dựng đứng phía bên kia đảo cũng chỉ đơn điệu hai tông màu tối xỉn. Thú thật là cảm xúc ban đầu đã khiến tôi có đôi chút thất vọng. May là sau đó mới hiểu, những “bợt bạt”, “tối xỉn” ấy là đặc sản riêng có của Santorini. Và thương hiệu đảo thiên đường cũng khởi nguồn từ đó.
Lần giở những trang lịch sử, tôi mới biết Santorini là hòn đảo lớn nhất của cụm đảo Cyclades, thuộc phía Nam của biển Aegea, Hy Lạp. Hòn đảo bắt đầu mang cái tên được khơi nguồn cảm hứng từ Thánh Irene này vào thế kỷ XIII. Trước đó, nó có tên Kalliste (mang nghĩa Hòn đảo xinh đẹp), Strongyle (Đảo tròn) hay Thera. Với diện tích xấp xỉ 73km2, hòn đảo là nơi từng diễn ra một trong những vụ phun trào núi lửa lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử Trái đất mang tên Minoa, cách đây 3600 năm ở thời điểm nền văn minh Minoa đang phát triển cực thịnh.
Dòng nham thạch khủng khiếp đã để lại một miệng núi lửa được lớp tro bao quanh dày hàng trăm feet (mỗi feet tương đương 30cm). Một phá nước khổng lồ được tạo ra, với những vách đá dựng đứng cao xấp xỉ 300 mét bao quanh ba mặt đảo. Ở mặt thứ tư, phá nước được nối với biển ở phía Tây Bắc và Tây Nam và tạo thành một hõm chảo sâu tới 400 mét, giúp tàu thuyền – dù ngoại cỡ có thể neo đậu ở bất kỳ vị trí nào. Nhờ thế, những du thuyền sang trọng có kích thước tương đương toà nhà hàng chục tầng, với hải trình nhiều ngày lênh đênh khám phá dọc theo biển Địa Trung Hải đều có thể dễ dàng ghé thăm Santorini.
Nhờ thế, sau tám tiếng đồng hồ di chuyển bằng phà từ cảng Piraeus (Athens), du khách năm châu có thể dễ dàng cập cảng Fira và bắt đầu hành trình khám phá hòn đảo. Chọn phương tiện máy bay như chúng tôi, thời gian rút lại chỉ còn 40 phút nhưng có chút thiệt thòi, khi bỏ lỡ cơ hội thưởng lãm sắc xanh quyến rũ khi con phà lênh đênh trên biển Địa Trung Hải.
Là một hõm chảo địa chất núi lửa còn lại sau vụ nổ khủng khiếp từng tàn phá các khu định cư đầu tiên trên một hòn đảo đơn nhất, màu sắc của các bãi cát phụ thuộc vào lớp địa chất lộ ra khiến Santorini có cả Bãi cát đỏ (Red Beach) lẫn Bãi cát đen (Black Beach). Vùng bờ biển bên trong bao quanh miệng núi lửa hình khiên tạo thành bờ vực thẳng đứng và phô bày nhiều lớp địa tầng khác nhau của dung nham cứng hoá. Ở những bãi có màu tối hơn, nước biển thường rất ấm bởi dung nham có đặc tính hấp thu nhiệt – hướng dẫn viên của đoàn cho biết.
Santorini giấu trong mình cả những phế tích của Thera cổ đại trên ngọn núi Mesa Vouno lẫn thị trấn cổ đại Akrotini, được phát hiện năm 1886 dưới tầng tầng tro bụi. Santorini là cái nôi của nền văn minh Minoa. Santorini có quá nhiều nét tương đồng với những gì triết gia vĩ đại Plato miêu tả về Atlantis cổ đại. Bởi thế, hòn đảo là địa chỉ khảo cổ quan trọng, nơi các nhà khoa học tìm đến để nghiên cứu về một nền văn minh vĩ đại đã bị xoá sổ vài nghìn năm về trước.
Cùng với Anafi, Santorini là địa điểm hiếm hoi tại châu Âu có khí hậu sa mạc nóng, theo hệ thống phân loại khí hậu Koppen. Đó là lý do khiến màu xanh cây lá cũng không được non tươi, mỡ màng. Chỉ có những giàn hoa giấy, vốn kiên cường trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt mới phô diễn vẻ rực rỡ ở khắp mọi nơi, cho mọi ngôi nhà. Như một biểu tượng của đất và người Santorini.
Thỏi nam châm tỏa ra sức hút không thể cưỡng lại
Thương hiệu Santorini gắn liền với những ngôi nhà nhỏ màu trắng theo phong cách Cycladic (kiến trúc thềm lục địa), một phần không thể tách rời của văn hoá vùng Địa Trung Hải thể hiện triết lý nhân sinh tương hỗ, trong đó con người hoà hợp tuyệt đối với thiên nhiên. Điểm xuyết những mái vòm màu xanh cobalt huyền thoại của hàng nghìn công trình tín ngưỡng, sự phối hợp tuyệt hảo của hai màu xanh – trắng trên lá quốc kỳ Hy Lạp đã làm nên vẻ đẹp tinh khôi đầy ấn tượng cho hòn đảo thiên đường.
Men theo những con đường mềm mại uốn lượn lên xuống, du khách ngợp trong bức tranh hoa cỏ tuyệt mỹ. Những dàn hoa giấy rực rỡ đủ màu. Những khoảng vườn nhỏ rộn ràng cây lá. Những vườn nho trải dài làm nên thứ rượu vang ngon bậc nhất châu Âu. Những vòm cây leo thấp thoáng sau mỗi cánh cổng khiêm nhường. Những chậu hoa xinh xắn trang trí cho mỗi ô cửa sổ.
Ở mỗi ngã rẽ, khúc quanh, du khách không ngớt trầm trồ khi được chiêm ngưỡng khúc biến tấu đầy ngẫu hứng của những ngôi nhà. Những căn “nhà hang” xếp lớp cao dần theo hình bậc thang, chênh vênh bám vào sườn núi với kiến trúc mái vòm, cửa sổ đối xứng. Những mảng tường trắng bên chút phá cách đỏ – xanh – cam – hồng nhẹ nhàng điểm xuyết trên viền cửa, mái hiên. Những ban công nhỏ xinh, mềm mại hướng ra phía biển.
Chạy xe trên những con đường ven biển, những bãi cát pha trộn độc đáo nhiều sắc màu cũng là điểm nhấn làm say lòng lữ khách. Kamari – Perissa thẫm màu cát đen. Biển Đỏ trải dài cát đỏ vốn từng là dòng nham thạch đông cứng, đặc điểm giúp nó trở thành bãi biển đặc biệt nhất hành tinh vào năm 2015.
Santorini còn gây thương nhớ bởi những ngôi làng cổ đẹp như trong truyện cổ tích. Từ Firostefani đến Imerovigli, từ Oia đến Pygros. Và những ngôi giáo đường, từ cổ đến kim, từ quy mô hoành tráng đến khiêm nhường bé xíu đều khiến tôi ngỡ ngàng vì vẻ đẹp kiến trúc đa dạng, tinh tế mà chúng đang sở hữu.
Ngắm hoàng hôn lộng lẫy ở trung tâm thị trấn Fira hay từ pháo đài cổ ở vị trí cao nhất của ngôi làng Oia, tôi mới hiểu tại sao Santorini được mệnh danh là địa điểm ngắm hoàng hôn lý tưởng nhất thế giới. Những sắc độ tím luân chuyển nhịp nhàng nhuộm thắm không gian Fira, từ tím hồng – tím nhạt sang tím sẫm. Những biến ảo của sắc hồng lãng mạn phủ lớp voan mỏng mảnh ở Oia, khi quầng mặt trời đỏ cam cháy rực từ từ chìm xuống làn nước xanh thẳm. Hoàng hôn ở đâu cũng đẹp, nhưng đẹp đến mức siêu thực ấy thì thú thật, tôi chưa gặp bao giờ.
Là điểm nhấn ấn tượng nhất của Hy Lạp, Santorini trở thành thỏi nam châm toả ra sức hút khó cưỡng với du khách năm châu. Có tới 33 triệu người chọn Hy Lạp làm điểm đến năm 2019, dù dân số của quốc gia này chỉ bằng một phần tư. Và không một ai đã tới Hy Lạp mà chịu bỏ qua hòn đảo thiên đường này. Chính vì thế, nhiều năm qua, Santorini đã và đang oằn mình gánh gồng một lượng khách quá lớn, quá ngưỡng chịu đựng.
Nổi tiếng trên mạng như một địa danh lý tưởng cho cộng đồng mê “sống ảo”, một thống kê cho thấy con số du khách đổ xô tới Santorini đã tăng gấp đôi, kể từ khi Instagram ra đời vào năm 2010. Thậm chí, trong mùa hè – vốn là mùa cao điểm, nhiều công ty viễn thông đã gặp khó khăn trong việc cung cấp đường truyền ổn định phục vụ hàng nghìn người đăng tải ảnh và video lên mạng trong cùng thời điểm. Đến tháng 9 năm ngoái, hastag#Santorini đã xuất hiện tới gần 6 triệu lần, chỉ tính riêng trên Instagram.
Người dân Santorini đã không thể giữ mãi sự hiếu khách vốn được coi là truyền thống, khi những đoàn khách lũ lượt, rồng rắn gây ồn ào, nhốn nháo chụp hình và phá vỡ mọi không gian sống yên bình tĩnh lặng của họ. Trước một vài căn nhà trong ngôi làng cổ Pygros, tôi bắt gặp những tấm biển nhắc nhở du khách với nội dung: “Chúng tôi chào đón các bạn, nhưng xin hãy tôn trọng Pygros. Kỳ nghỉ là của bạn, nhưng ngôi nhà là của chúng tôi”.
Đại diện đơn vị lữ hành tại đây cho biết, mỗi ngày có tới bốn du thuyền 5 sao đổ khách xuống bến cảng Fira, đó là còn chưa kể khách đi phà, khách chọn máy bay làm phương tiện di chuyển. Hạ tầng của hòn đảo không thể đủ sức phục vụ từng đó khách ăn uống, ngủ nghỉ nên giá dịch vụ ở đây thuộc hàng đắt đỏ bậc nhất. “Chi phí cho vài ngày thư giãn ở đây khá cao, vậy mà đảo vẫn đông nghẹt khách” – anh chàng giám đốc bán hàng giơ tay lên trời, vẻ bất lực.
Ngành du lịch mang lại cho xứ sở của các vị thần tới xấp xỉ 20% GDP và 10% tổng số việc làm. Bởi vậy, đại dịch Covid -19 đã khiến Hy Lạp chao đảo. Santorini đã có hai năm 2020-2021 hiếm hoi vắng vẻ và yên bình, dù kinh tế bị thiệt hại nặng nề. Nhưng nhìn ở góc độ tích cực, Thủ tướng Mitsotakis cho rằng, đó là quãng thời gian tạm dừng quý giá để Hy Lạp định hướng lại mô hình phát triển trong những năm tiếp theo và tập trung vào phát triển bền vững.
Nguồn: Báo Nhân Dân
Hiện tại, L’Eagle Blue đang tư vấn và thực hiện hồ sơ định cư với nhiều chương trình đầu tư tại Hy Lạp. Chúng tôi luôn sẵn lòng tư vấn miễn phí theo thông tin liên hệ bên dưới:
CÔNG TY TNHH L’EAGLE BLUE
– Hotline: 08 1911 1800
– Email: info@leagleblue.com
– Địa chỉ: 118-120 Đường B2, Khu Đô Thị Sala, An Lợi Đông, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh